Ia H’Drai Du lịch và trải nghiệm
Trung tâm huyện và bản đồ chỉ dẫn
Nằm cách Thành phố Kon Tum khoảng 150 km, huyện biên giới Ia H’Drai từng được ví von như một “ốc đảo” giữa miền biên giới với những cánh rừng đại ngàn, nay đã “thay da, đổi thịt”, khoác lên mình một chiếc áo mới xinh đẹp, khang trang và hiện đại với hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, các công trình giao thông, thủy lợi trọng điểm và các tuyến đường liên thôn, xã, đường vào khu sản xuất… được ưu tiên đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo địa phương.
Tiềm năng và lợi thế ở Ia H’Drai đang được chính quyền, doanh nghiệp và người dân khơi dậy để mang lại sức sống mới nơi đây. Từ một vùng độc canh cây cao su, kinh tế huyện đang chuyển mình theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Đến thăm huyện Ia H’Drai hôm nay, du khách có thể ghé thăm những vườn quýt, vườn bưởi, vườn dừa, vườn mít, … các bạn còn có thể thưởng thức những món ăn từ cá, gà thảo dược và mua đặc sản cá cơm Sê San làm quà biếu.
Ngoài ra, du khách có thể tham quan thác nước 7 tầng tại thôn 2, xã Ia Dom, cách trung tâm huyện khoảng 10 km; tham quan đường biên, cột mốc biên giới, nhất là mốc biên giới số 24 ở khu vực ngã ba sông Sa Thầy (cách trung tâm huyện 13 km) và ngắm cảnh đẹp tại Hồ Le (cách trung tâm huyện 15 km), ghé thăm các làng văn hóa dân tộc như Tày, Thái, Mường để trải nghiệm nét đẹp trong đời sống và văn hóa của mỗi dân tộc. Đặc biệt, một điểm đến vừa quen, vừa lạ du khách không thể bỏ qua khi ghé thăm huyện Ia H’Drai chính là làng chài Sê San 4, tại thôn 7, xã Ia Tơi (cách trung tâm huyện Ia H’Drai 12 km)
- Làng chài Sê San 4.
Hình ảnh làng chài Sê San 4 – cá cơm khô
Sự thanh bình, thơ mộng và độc đáo của làng chài Sê San là điểm lựa chọn cho những ai muốn khám phá, trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ, tìm hiểu về con người, văn hóa sông nước trên cao nguyên hùng vĩ.
Nằm trên lòng hồ Thủy điện Sê San 4, thuộc địa phận Thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, cách trung tâm huyện Ia H’Drai khoảng 12 km. Đến làng chài Sê San 4, du khách có thể di chuyển trên thuyền máy để tham quan tuyến làng chài – Thác Mơ, cảm nhận không khí trong lành cùng cảnh vật non nước hữu tình, dạo quanh các hòn đảo lớn, nhỏ và tận hưởng những phút giây thư giãn tại bãi tắm thơ mộng và vườn bơ xanh mát, thỏa thích ngắm nhìn những đàn cò trắng tung bay trên mặt hồ mỗi khi chiều về, được tham quan các lồng bè nuôi cá của ngư dân địa phương.
Ngoài ra, du khách nếu ở lại qua đêm còn được trải nghiệm hoạt động câu cá tại làng chài, xem cách đánh bắt cá cơm tự nhiên trên lòng hồ bằng phương pháp thủ công và ngắm bình minh mọc lên từ những dãy nũi phía xa hay thưởng thức hoàng hôn tắm mình dưới dòng nước hồ xanh ngắt.
Đến với làng chài, du khách không thể không thưởng thức các món ăn dân dã từ các loại cá đặc trưng như cá chình bông, cá lăng, cá sọc dưa, cá anh vũ, cá cơm, …
Mua các sản phẩm Ocop được chế biến từ Cá cơm nước ngọt Sê San như cá cơm khô, cá cơm chế biến sẵn, bánh tráng cá cơm làm quà biếu người thân, bạn bè
- Thác 7 tầng – Địa danh kỳ thú không thể bỏ qua
Thác 7 tầng – múa xòe, đánh đàn tính
Một trải nghiệm thú vị cho du khách thích leo núi và khám phá, đó là thác 7 tầng tại thôn 2 xã Ia Dom, cách Quốc lộ 14C khoảng 4km. Du khách có thể di chuyển bằng ô tô, xe máy từ Quốc lộ 14C theo đường bê tông, sau đó đi bộ khoảng 1km để đến chân thác và trải nghiệm hành trình vượt rừng, leo 7 tầng thác. Khoảng cachs từ chân thác lên đỉnh núi khoảng 1.500m, với nhiều tầng nước, đá lớn nhỏ khác nhau và thảm thực vật phong phú. Nếu may mắn, du khách còn có thể bắt gặp một số động vật hoang dã tại nơi đây như khỉ, chim, sóc, …
Thác 7 tầng mang vẻ đẹp hùng vĩ với hệ sinh thái phong phú, không khí mát lành, dễ chịu. Đây là địa điểm lý tưởng cho những bạn trẻ thích trải nghiệm và khám phá.
Du khách có thể hoà mình với thiên nhiên, ngâm mình dưới dòng nước mát, chụp hình Checkin và chuẩn bị những món ăn ngon để thưởng thức tiệc ngoài trời.
Sau khi quay về, du khách có thể ghé thăm những Thôn đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, Tày, Nùng, Mường để tìm hiểu nét đẹp văn hóa đặc sắc, thú vị của người dân nơi đây.
- Chương trình tham quan, trải nghiệm gắn với giáo dục truyền thống
Hồ Le, cột mốc số 24
Huyện Ia H’Drai được thành lập nào năm 2015, là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Tây – Nam của tỉnh Kon Tum. Phía Đông giáp huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai; Phía Tây giáp 2 huyện Đun Mia và huyện Tà Veng thuộc tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia; Phía Nam giáp huyện Chư Păh và huyện Ia Grai của tỉnh Gia Lai; Phía Bắc giáp huyện Sa Thầy. Huyện có đường biên giới quốc gia với Vương quốc Campuchia dài hơn 79 km, với 15 cột mốc chính tiếp giáp với nước bạn Campuchia, là nơi đánh dấu chủ quyền biên giới, lãnh thổ Quốc gia.
Đến đây du khách được tham quan trải nghiệm tuyến đường biên với những cung đường quanh co, hai bên là đồi cỏ lau đẹp thơ mộng dưới tán rừng tự nhiên hùng vĩ, mang một vẻ đẹp rất đỗi yên bình, làm dịu mát đi cái nắng gay gắt ở Tây Nguyên.
Du khách có thể ngắm cảnh đẹp tại Hồ Le (cách trung tâm huyện 15 km) với những đồng cỏ nên thơ vào mùa cạn hay hồ nước xanh trong thẳng cánh cò bay và mùa nước nổi; tham quan tại cột mốc biên giới số 24 ở khu vực ngã ba sông Sa Thầy (cách trung tâm huyện 13 km) chạm tay vào cột mốc, cảm nhận được sự thiêng liêng, lòng tự hào về Tổ quốc thân yêu.
Nguồn: Trang thông tin điện tử huyện Ia H’Drai