Hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2024
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan của tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2023 trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều gặp thách thức do cầu thế giới thấp; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đơn hàng, thị trường sụt giảm…. Tuy nhiên với sự chỉ đạo và nhiều giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31-12-2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 13,56 triệu tỷ đồng, tăng 13,7% so với cuối năm 2022.
Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, chính sách tiền tệ được NHNN điều hành linh hoạt đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bình quân đạt 3,2%, thấp hơn mức 4,5% được Quốc hội và Chính phủ đề ra. Lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 2,5% so với cuối năm 2022; thị trường ngoại tệ được giữ ổn định và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, đồng Việt Nam mất giá khoảng 2,89% so với đồng USD.
Ngoài ra, năm 2023, NHNN liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các NHTM đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.
Nhiều chương trình tín dụng được triển khai nhằm thực hiện tốt chính sách xã hội, góp phần thực hiện thành công 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Năm 2024, NHNN tập trung những vấn đề trọng tâm: Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, ngoại hối để đảm bảo hài hòa mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội; tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; chuyển đổi số và phát triển dịch vụ ngân hàng…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực đóng góp của ngành Ngân hàng trong năm 2023 thể hiện ở việc đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 4.000 tỷ đồng; giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân phục hồi kinh tế; giữ vững ổn định an toàn hệ thống…
Xác định nhiệm vụ năm 2024 còn nhiều khó khăn thách thức, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành Ngân hàng chuẩn bị tư tưởng, nguồn lực để chia sẻ những khó khăn chung của toàn hệ thống, có giải pháp giúp đỡ người dân và doanh nghiệp về lãi suất; không để bị động về chính sách tiền tệ; không để ách tắc về lưu thông tiền tệ; không để người dân, doanh nghiệp phải thiếu vốn; không để tiêu cực, tham nhũng và sơ hở trong quản lý của hệ thống ngân hàng; cân bằng giữa tăng trưởng với lạm phát được hài hòa hợp lý.
Tiếp tục theo dõi tình hình trong nước và quốc tế để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; cần có bước đi lộ trình phù hợp; tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh, chăm lo cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng tốt hơn; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém; đẩy mạnh chuyển đổi số, tập trung vào hạ tầng chiến lược; rà soát khuôn khổ pháp lý nhưng không cầu toàn; tập trung phát triển đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực nhưng bộ máy tinh gọn hiệu quả. Tăng cường giám sát, kiểm tra công tác tham nhũng trong đó thanh tra cần có trọng tâm, trọng điểm.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tổ chức tín dụng cần chia sẻ trách nhiệm, giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn; rà soát lại các điều kiện cho vay một cách đơn giản, thuận lợi. Qua đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum