Chương trình MTQG làm thay diện mạo huyện biên giới Ia H’Drai

Đến với huyện biên giới Ia H’Drai (Kon Tum) hôm nay, ai cũng cảm nhận được những đổi thay ở vùng đất đầy nắng gió này. Những con đường đất năm nào giờ đã được trải bê tông phẳng lỳ, những ngôi nhà tạm được thay thế bằng những ngôi nhà xây kiên cố, bên những cánh rừng cao su bạt ngàn là những mô hình phát triển kinh tế. Cho thấy cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây đang từng ngày đổi thay. Có được những đổi thay đó là nhờ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc triển khai kịp thời các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Lãnh đạo huyện Ia H’Drai về họp thôn để trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân trong quá trình triển khai thực huyện các Chương trình MTQG

Đầu tư có trọng tâm và bền vững

Huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum được thành lập năm 2015 trên cơ sở tách ra từ huyện Sa Thầy. Đây là huyện biên giới, tiếp giáp với huyện Đun Mia và huyện Tà Veng của tỉnh Ratanakiri (Campuchia); toàn huyện có 3 xã là Ia Đal, Ia Dom và Ia Tơi, với hơn 60% là đồng bào DTTS thuộc 31 thành phần dân tộc sinh sống. Điều kiện kinh tế – xã hội của huyện còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh Kon Tum.

Năm 2022 và 2023, tổng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương (bao gồm vốn đầu tư và vốn sự nghiệp) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là các Chương trình MTQG) của huyện Ia H’Drai là hơn 195 tỷ đồng.

Chợ Trung tâm xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai được đầu tư xây dựng mới

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai cho biết: Với mục tiêu tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất ở các xã đặc biệt khó khăn, giảm khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa các vùng và các nhóm dân cư tại địa bàn; đồng thời khôi phục, giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS. Cấp ủy, chính quyền huyện Ia H’Drai luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các Chương trình MTQG với nguyên tắc: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; không thực hiện đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí; bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; khơi dậy, phát huy tinh thần nỗ lực, tự lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo và cộng đồng.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn huyện Ia H’Drai cơ bản đảm bảo theo kế hoạch đã đề ra, quá trình triển khai thực hiện đảm bảo bám sát các văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp trên.

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học – Trung học sở sở Hùng Vương, xã Ia Đal phấn khởi khi được đầu tư xây dựng thêm các phòng học

Thầy giáo Đỗ Việt Hưng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học – Trung học sở sở Hùng Vương, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai cho biết: Toàn trường có hơn 1.000 học sinh, trên 80% là học sinh DTTS. Năm 2023, được huyện quan tâm đầu tư xây dựng dãy nhà gồm 8 phòng học, khu bán trú 8 phòng ở và bếp ăn 1 chiều từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). Với sự quan tâm đầu tư của huyện đã tạo điều kiện cho các cháu có chỗ ăn, ở, giảm bớt gánh nặng cho gia đình; phòng học đầy đủ đảm bảo cho việc dạy và học.

Cùng với đó, UBND huyện Ia H’Drai tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các xã, thôn trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG; chỉ đạo các xã hướng dẫn cụ thể cho người dân để sử dụng nguồn vốn đầu tư có hiệu quả, người dân được hưởng lợi một cách tốt nhất.

Huyện nghèo đổi thay

Nhờ có nguồn vốn đầu tư của các Chương trình MTQG và các nguồn lực khác đã đem lại hiệu quả trên các lĩnh vực đời sống xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vững chắc vào việc bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Đặc biệt, các công trình đường giao thông, trường học, thủy lợi được đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu của người dân; các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đã phát huy hiệu quả, giúp người dân có thêm thu nhập.

Bà Phạm Thị Sung ở thôn 1, xã Ia Dom phấn khởi khi được hỗ trợ bò sinh sản

Bà Phạm Thị Sung ở thôn 1, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai cho biết: Gia đình được hỗ trợ 1 con bò sinh sản, gia đình làm chuồng trại và chăm sóc cho thật tốt. Sau này bò sinh sản, giúp gia đình có thêm thu nhập, kinh tế ổn định hơn.

Huyện cũng quan tâm triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ cho đồng bào DTTS, như: Hỗ trợ về cây con giống, đầu tư làm đường giao thông, nước sạch. Qua đó, làm thay đổi diện mạo các thôn, làng và đời sống của đồng bào DTTS đã từng bước được cải thiện – ông Hà Văn Huấn (dân tộc Thái) ở thôn Ia Đal, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai chia sẻ.

Được sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể và sự tham gia tích cực của Nhân dân, các Chương trình MTQG đã được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, các vấn đề cơ bản nhất đối với hộ nghèo, như: Nhà ở, đất sản xuất, khám chữa bệnh, học tập… Các chính sách về an sinh xã hội khác đã được giải quyết kịp thời, đúng đối tượng, đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân. Qua rà soát, cuối năm 2023 về tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 12,71% so với cuối năm 2022, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 19,52% so với cuối năm 2022. Đến nay, huyện đạt 04/09 tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 13 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới vùng đồng bào DTTS.

Diện mạo các thôn, làng ở huyện biên giới Ia H’Drai đang từng ngày đổi mới

Ông Hà Văn Hợp (dân tộc Thái), Người có uy tín ở thôn 1, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai chia sẻ: Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ cho bà con về mọi mặt, từ kết cấu hạ tầng, bò sinh sản. Với vai trò của một người có uy tín thì tôi thường xuyên vận động bà con bảo vệ các công trình của nhà nước đã đầu tư, chăm lo phát triển kinh tế để nâng cao đời sống.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai thì việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG đã làm chuyển biến nhận thức, giúp người nghèo, đồng bào DTTS có việc làm, phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia thực hiện các Chương trình MTQG, từ đó phát huy tinh thần nỗ lực, tự lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo và cộng đồng.

Nguồn: Báo Dân tộc