Kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra trong thời gian 29,5 ngày (đợt 1 từ ngày 21/10 đến ngày 13/11/2024; đợt 2 từ ngày 20/11 đến ngày 30/11/2024) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền và các vấn đề về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước; Thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.

Cũng tại Kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; Giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; Xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Về công tác lập pháp

Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết thông qua 04 nghị quyết quy phạm pháp luật(1) và 18 luật, bao gồm: (1) Luật Công chứng (sửa đổi); (2) Luật Công đoàn (sửa đổi); (3) Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); (4) Luật Dữ liệu; (5) Luật Đầu tư công (sửa đổi); (6) Luật Địa chất và khoáng sản; (7) Luật Điện lực (sửa đổi); (8) Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); (9) Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; (10) Luật Phòng không nhân dân; (11) Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; (12) Luật Tư pháp người chưa thành niên; (13) Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); (14) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; (15) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; (16) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; (17) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; (18) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật, bao gồm: (1) Luật Công nghiệp công nghệ số; (2) Luật Hóa chất (sửa đổi); (3) Luật Nhà giáo; (4) Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (5) Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); (6) Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); (7) Luật Việc làm (sửa đổi); (8) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; (9) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; (10) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Về công tác nhân sự và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng

Quốc hội đã xem xét, quyết định miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước đối với ông Tô Lâm. Bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Lương Cường. Miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội và cho thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Bùi Văn Cường thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội đối với ông Lê Quang Tùng. Phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Nguyễn Văn Thắng. Phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021– 2026 đối với ông Nguyễn Văn Thắng; bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Trần Hồng Minh. Phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với ông Nguyễn Quốc Đoàn và ông Lê Tiến.

Công tác nhân sự được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, bảo đảm đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt được sự thống nhất rất cao của các vị đại biểu Quốc hội. Sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch nước Lương Cường đã tuyên thệ, phát biểu nhậm chức theo quy định của Hiến pháp.

Sau khi xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội.

Quốc hội thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 với các nội dung cơ bản sau đây:

Tại Nghị quyết số 158/2024/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025: Quốc hội đề ra mục tiêu tổng quát, 15 chỉ tiêu và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; đồng thời, xác định: (1) tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; (2) tập trung cao độ hơn nữa cho bổ sung, hoàn thiện, tháo gỡ vướng mắc trong hệ thống pháp luật, hoàn thành về cơ bản việc xử lý những bất cập, tồn đọng, vướng mắc liên quan đến thể chế và tổ chức thực hiện kéo dài, đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu đổi mới sáng tạo, tạo đột phá phát triển đất nước trong tình hình mới; (3) thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực thực chất, hiệu quả gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; (4) đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, sớm hoàn thành các công trình, dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng quốc gia, khai thác hiệu quả không gian phát triển mới; (5) đẩy mạnh hơn nữa cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường phân cấp, phân quyền thực chất, hiệu quả; tiếp tục hoàn thiện, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhưng không làm ảnh hưởng, cản trở mà để thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế và dân sự; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Tại Nghị quyết số 159/2024/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025: Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 với số thu ngân sách nhà nước là 1.966.839 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.548.958 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 471.500 tỷ đồng (tương đương 3,8% GDP); tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 835.965 tỷ đồng; đồng thời, quyết định chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025…

Tại Nghị quyết số 160/2024/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025: Quốc hội quyết định tổng số thu ngân sách trung ương năm 2025 là 1.020.164 tỷ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 946.675 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách trung ương là 1.523.264 tỷ đồng; trong đó, dự toán 248.786 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025 – 2035 nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc….Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập; được thực hiện trong 11 năm (từ năm 2025 đến năm 2035). Tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình dự kiến là 256.250 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2025- 2030 dự kiến 122.250 tỷ đồng; giai đoạn 2031-2035 dự kiến là 134.000 tỷ đồng.

Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các cam kết quốc tế về phòng, chống và kiểm soát ma túy; tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, trọng tâm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống ma túy; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và người dân cùng tham gia với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống ma túy. Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2025 đến hết năm 2030 với tổng vốn thực hiện Chương trình tối thiểu hơn 22.450,194 tỷ đồng.

Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam bằng hình thức đầu tư công với sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 1.713.548 tỷ đồng, nhằm mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Bắc – Nam, bảo đảm kết nối hiệu quả các hành lang Đông – Tây và với các nước trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 05 ga hàng hóa; dự án đường sắt tốc độ cao được xây dựng với mục đích chính là để vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Phấn đấu đến năm 2035, cơ bản hoàn thành Dự án.

Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, đánh dấu thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị của cả nước; giúp thành phố Huế không chỉ tạo sự chuyển dịch về không gian đô thị, không gian kinh tế, tạo động lực phát triển mới cho địa phương, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo hình ảnh đô thị khang trang, xanh, sạch, đẹp, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, thực sự trở thành trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa – du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nghị quyết, kết luận quan trọng khác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.

Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng.

Về giám sát tối cao

Trong thời gian 2 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với 02 Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực: ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông…/.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum