Kết nối số
Làng truyền thống có một giới hạn địa lý nhất định. Khi kết nối Internet, không gian làng đã được mở rộng, không còn giới hạn nào nữa. Người dân ở trong làng vẫn có thể “biết chuyện trong thiên hạ” nhờ vào kết nối Internet.
Chính quyền đầu tư hạ tầng số ở mức cơ bản, nhưng để mở rộng, phổ cập đến từng hộ gia đình thì phải dựa vào sức mạnh của dân làng. Giống như trước đây, dù hạ tầng điện lưới được kéo về làng, nhưng để điện thắp sáng từng nhà, rồi thắp sáng một vùng quê lại phải dựa vào người dân.
Câu chuyện về phổ cập wifi tại các xã tại huyện Tu Mơ Rông
Tu Mơ Rông là huyện nghèo, có 11 đơn vị hành chính cấp xã và 86 thôn, làng với số dân khoảng trên 28.000 người, trong đó, trên 95% là đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Để giúp bà con đồng bào Xơ Đăng có điều kiện tiếp cận các dịch vụ, thông tin trong thời công nghệ số, huyện Tu Mơ Rông đã có chủ trương tiến hành lắp đặt wifi miễn phí cho 100% thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn
Thực hiện chủ trương, các xã trên địa bàn đã triển khai lắp đặt phủ sóng mạng wifi miễn phí ở tất các thôn, làng. Sau khi khảo sát, bàn bạc, hệ thống wifi công cộng được bà con lựa chọn lắp đặt tại nhà rông văn hóa của các thôn, làng. Bởi theo người dân, nhà rông văn hóa là “linh hồn” của làng, là nơi bà con thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, tổ chức hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.
Sau khi khảo sát, chọn địa điểm, các đơn vị viễn thông đã huy động lực lượng tập trung đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống đường dây, mạng cáp quang, và lắp đặt bộ wifi. Đến nay, các đơn vị đã lắp đặt được 60 bộ wifi miễn phí tại nhà rông của 60 thôn làng trên địa bàn huyện. Các đơn vị viễn thông vẫn đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lắp đặt, phấn đấu trong năm nay sẽ hoàn thành 100% (với 86 thôn làng) sẽ được lắp đặt wifi miễn phí tại nhà rông văn hóa.
Sau một thời gian sử dụng wifi miễn phí do huyện lắp đặt, lượng người đến nhà rông đông hơn, nhất là vào dịp buổi chiều, tối để luyện tập thể dục thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Đoàn viên thanh niên trong thôn đến nhà rông nhiều hơn so với trước. Ngoài thời gian chơi bóng chuyền, còn hay dùng điện thoại di dộng kết nối wifi truy cập Internet để đọc báo xem các thông tin chính trị, thời sự, vào mạng xã hội.
Việc lắp đặp hệ thống wifi miễn phí không chỉ tạo được sự đồng thuận của bà con mà từ đó càng gắn kết thêm tình đoàn kết giữa bà con trong thôn, làng. Hệ thống wifi miễn phí được lắp đặt còn giúp thôn tổ chức tốt các buổi sinh hoạt cộng đồng. Khi đến họp hay học tập tại nhà rông, cán bộ và người dân có thể dễ dàng truy cập Internet để tra cứu các văn bản pháp luật của nhà nước và kiến thức về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi.
Kết nối mạng mở “con đường” đi ra thế giới. Trong trường hợp chưa đủ ngay điều kiện để mỗi hộ dân có một đường Internet cáp quang, thì ba, bốn hộ dân có thể cùng sử dụng một đường Internet cáp quang tốc độ cao và chia sẻ tiền cước phí hàng tháng.
Một chiếc điện thoại thông minh giúp mở ra cả thế giới
UBND huyện Quỳ Hợp và VNPT Nghệ An đã ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 – 2026 với các nội dung: Phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn huyện Quỳ Hợp nhằm mục tiêu phổ cập dịch vụ viễn thông, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phục vụ sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, đảm bảo quốc phòng – an ninh, đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện.
“Ở bản Khúa xa xôi của xã Châu Lý, huyện miền núi Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, kể từ khi mạng Internet phủ sóng trong bản, dân bản bắt đầu tiếp xúc với các tiện ích như: nộp tiền điện, nạp tiền điện thoại thông qua các dịch vụ sử dụng mạng Internet; hay tham gia giao tiếp qua mạng xã hội như Zalo; tiếp cận được nhiều thông tin hữu ích, qua đó học hỏi được các kiến thức để sản xuất, chăn nuôi. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, dân làng trong bản đã có thể gọi điện và thấy hình ảnh của người thân, bạn bè, con cháu ở xa. Không những thế, việc sản xuất, chăn nuôi của các gia đình trong bản cũng thuận lợi, dễ dàng hơn trước vì được trang bị thêm nhiều kiến thức mới”.
Bản Khúa làm được thì mọi làng quê Việt Nam đều có thể làm được. Điện thoại thông minh trở thành “vật bất ly thân” của người dân trong các hoạt động liên lạc, kinh doanh, học tập, buôn bán. Đây là cánh cửa mở ra thế giới số cho dân làng, tiếp cận với dịch vụ, tiện ích và mang lại cơ hội làm giàu, thoát nghèo
Nền tảng Zalo: Cách người Việt giao tiếp
Zalo – ứng dụng nhắn tin nhanh đa nền tảng Make in Vietnam với hơn 75 triệu người dùng thường xuyên, đã trở thành ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Việt Nam và là ứng dụng quan trọng hàng đầu trong đời sống của người Việt. Với lợi thế là nền tảng công nghệ do người Việt sáng tạo dựa trên thói quen sinh hoạt của người Việt, Zalo đã làm thay đổi cuộc sống của người Việt với cách thức tiếp cận, giao tiếp và xử lý thông tin hoàn toàn mới, kết nối con người sát lại gần nhau hơn trong kỷ nguyên số.
“Tính phổ biến của Zalo được thể hiện là ứng dụng được ưu tiên cài đặt trên các thiết bị di động của người dân. Cứ 10 chiếc điện thoại bán ra thì đến 8 chiếc khách nhờ cài đặt Zalo đầu tiên. Với khách hàng lớn tuổi tôi còn phải hỗ trợ đăng ký tài khoản Zalo cho họ” – Chị Hoài Thu, nhân viên kinh doanh tại một cửa hàng điện máy tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Zalo cho phép người dùng nhắn tin miễn phí, có thể đính kèm biểu tượng cảm xúc, hình ảnh và video. Ghi âm và gửi tin nhắn thoại, thực hiện các cuộc gọi thoại và gọi video miễn phí giúp tiết kiệm chi phí liên lạc cho người dân. Bên cạnh đó với tính năng trò chuyện nhóm, phân loại đối tượng liên lạc, giao diện tối giản, dễ sử dụng cùng khả năng lưu trữ các tệp hình ảnh, video, tài liệu, đường link được chia sẻ đã giúp Zalo được sử dụng thường xuyên trong công việc tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Cũng chính vì vậy, từ việc sử dụng thường xuyên trong công việc cũng như cuộc sống đã giúp Zalo vượt qua những “ông lớn ngoại quốc” về ứng dụng giao tiếp như: Facebook, Messenger, Instagram… để trở thành ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Việt Nam.
Người dân có thể tự mình học thêm các kỹ năng cần thiết để “mở ra cả thế giới” một cách dễ dàng thông qua học các khóa học trực tuyến miễn phí được Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp, từ cơ bản đến nâng cao.
Nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch
OneTouch là nền tảng học trực tuyến mở đại trà mà trên đó người dân có thể tìm kiếm và học kỹ năng số cơ bản như: khóa học về cách sử dụng điện thoại thông minh, máy tính, Internet và các ứng dụng một cách an toàn, lành mạnh. OneTouch cung cấp cả khóa học bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ cấp xã, các tổ công nghệ số cộng đồng.
Với nền tảng học trực tuyến mở đại trà, người dân có thể lựa chọn nội dung phù hợp, học mọi lúc mọi nơi và tự theo dõi được sự tiến bộ của bản thân trong suốt khóa học.
Để tham gia học tập trên OneTouch, người dân truy cập vào trang web tại địa chỉ https://onetouch.mic.gov.vn/.
Nguồn: https://langso.dx.gov.vn/