Sách và văn hoá đọc thời kỳ chuyển đổi số

21-4-2025

Trong mọi giai đoạn phát triển của xã hội, sách luôn là phương tiện quan trọng giúp con người tiếp cận tri thức, hoàn thiện bản thân để phục vụ cho công việc, cuộc sống và nhu cầu giải trí. Hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, sách và việc đọc sách cũng đang có sự thay đổi để thích ứng với câu chuyện chuyển đổi số.

Nhằm khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách đối với phát triển tri thức, nhân cách và tâm hồn con người, khuyến khích phong trào đọc sách trong cộng đồng hướng tới một xã hội học tập, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 284/ QĐ-TTg  lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Để đưa văn hóa đọc phát triển lên tầm cao mới, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”, lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thay thế cho Ngày Sách Việt Nam.

4 năm qua, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được triển khai rộng rãi trong toàn quốc với đa dạng  chủ đề, hoạt động, góp phần lan tỏa, khuyến khích, phát triển thói quen đọc sách trong cộng đồng.

Hằng năm, nhiểu trường học tổ chức Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam góp phần lan tỏa tình yêu sách và xây dựng thói quen đọc sách trong học sinh

Tại tỉnh Kon Tum, những năm qua, các cấp, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân. Trong đó, quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở và hơn 110 tủ sách trong cộng đồng, trang bị hàng triệu đầu sách giúp người dân có điều kiện tiếp cận, nuôi dưỡng tinh thần học tập, xây dựng thói quen đọc sách. Đặc biệt, từ năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với những mục tiêu, định hướng giải pháp cụ thể nhằm xây dựng, thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh.

Hằng năm, các cấp, các ngành, các địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm tôn vinh giá trị của sách, truyền cảm hứng thúc đẩy phong trào đọc sách đến toàn dân. Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025, từ tháng 3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc tỉnh Kon Tum năm 2025; các trường học tổ chức nhiều hoạt động như tặng sách, tuyên truyền giới thiệu về sách, giao lưu, tọa đàm, xếp mô hình sách nghệ thuật, tìm hiểu lịch sử.

Lan tỏa văn hóa đọc góp phần nâng cao tri thức, xây dựng xã hội học tập

Trước đây, sách giấy là con đường lớn nhất đưa chúng ta tiếp cận nguồn thông tin, văn hóa và tri thức, giúp nâng cao hiểu biết, làm giàu vốn ngôn ngữ. Ngày nay, trước sự bùng nổ của công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của Internet khiến sách truyền thống (sách giấy) ít được quan tâm hơn và văn hóa đọc cũng đứng trước những thách thức.

Có thể thấy rõ, ngày nay, một phần không nhỏ người dân, nhất là giới trẻ ngày càng ít quan tâm đến việc đọc sách mà thay vào đó, họ dành thời gian cho mạng xã hội, trò chơi điện tử, các ứng dụng giải trí. Việc tiếp nhận thông tin nhanh, ngắn và đa chiều từ mạng Internet cũng dần khiến khả năng tập trung và kiên nhẫn đọc một cuốn sách dài suy giảm.

Tuy nhiên, không chỉ có ảnh hưởng mà việc phát triển công nghệ số cũng mở ra những hướng mới về cách tiếp cận sách và văn hóa đọc. Công nghệ giúp phát triển nhiều loại hình sách hiện đại như sách nói (audio book), sách điện tử (e-book) cùng những ứng dụng đọc sách trực tuyến và các nền tảng chia sẻ tri thức đã góp phần tạo nên một môi trường đọc mở, tiện lợi và đa dạng. Người dùng có thể dễ dàng tiếp cận hàng triệu đầu sách chỉ bằng một thiết bị thông minh có kết nối Internet. Điều này đặc biệt hữu ích với giới trẻ, những người bận rộn và lối sống hiện đại. Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng đang trở thành một kênh lan tỏa văn hóa đọc hiệu quả.

Do đó, thay vì cố gắng giữ nguyên thói quen đọc truyền thống, đọc sách điện tử hay nghe sách nói cũng là cách tiếp cận thông tin, kiến thức phù hợp, hiệu quả. Điều cốt lõi không phải là hình thức đọc, mà là tinh thần đọc, là việc chủ động nuôi dưỡng niềm đam mê đọc để làm giàu tri thức của mỗi người.

Nguồn: Báo Kon Tum